(VietQ.vn)
- Chúng ta thường nghe các tín đồ Ki-tô giáo nói về ngày tận thế, về ngày phán
xét, về sự hủy diệt hàng loạt… nhưng lại ít thấy kinh sách Phật giáo nói đến điều
đó.
Đức Phật không có lời
khuyên nào về “ngày tận thế”
Vậy thì Phật giáo quan niệm thế nào về sự
hủy diệt của Trái đất như thế nào? Trong cách đo lường thời gian hiện đại, để định
nghĩa một chu kỳ dài, thay vì nói 10 năm người ta gọi là 1 thập niên, 100 năm
được gọi tắt thành một Thế kỷ.
Tương tự, để tính những chu kỳ dài người
Ấn Độ cổ đại gọi là “Kappa” – tiếng Việt dịch là “kiếp”. Có tất cả 3 loại chu kỳ
(kiếp - PV) thời gian được định nghĩa trong các kinh sách Phật giáo. Đó là đại
kiếp, trung kiếp và tiểu kiếp.
Ảnh minh họa
Trong đó chúng ta có thể hiểu tiểu kiếp
theo nghĩa gốc có nghĩa là vòng đời hay tuổi thọ của một con người. Chu kỳ của
tiểu kiếp chuyển từ cao đến thấp rồi đi từ thấp đến cao. Vũ trụ sẽ bắt đầu chu
kỳ tiểu kiếp với tuổi thọ con người là 84.000 tuổi. Sau 100 năm sẽ giảm đi 1 tuổi,
giảm đến khi còn thọ mệnh 10 tuổi thì chấm dứt giai đoạn đầu của chu kỳ tiểu kiếp.
Đối với trung kiếp thì một
chu kỳ dài bằng 20 tiểu kiếp, khoảng 334 triệu năm.
Theo sách Phật, địa cầu nơi chúng ta ở,
diễn biến qua bốn giai đoạn lớn. Đó là: Thành (hình thành), Trụ (tồn tại), Hoại
(hủy hoại), Không (thành hư không) tương đương bốn trung kiếp (thành kiếp, trụ
kiếp, hoại kiếp, không kiếp - PV).
Trong bốn giai đoạn nói trên, chỉ có
giai đoạn trụ kiếp là có người ở. Sau khi hoại kiếp kết thúc thì bắt đầu không
kiếp (kiếp không có vật gì tồn tại, kéo dài 20 tiểu kiếp - PV). Rồi một địa cầu
mới lại dần dần hình thành, tức là thành kiếp.
Với bốn trung kiếp gộp lại thành một đại
kiếp, dài khoảng 1 tỷ 344 triệu năm được gọi là một đại kiếp. Theo kinh Phật,
chúng ta đang ở vào chu kỳ của tiểu kiếp thứ 9, còn đến hơn 8 triệu năm mới
hoàn thành tiểu kiếp thứ
Hiện nay, trong các Kinh điển của nhà Phật
chúng ta chưa bao giờ nghe đức Phật có lời khuyên nào về “ngày tận thế”. Duy nhất
chỉ trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật có đặt một câu hỏi cho một vị Sa
môn là: “Tuổi thọ của con người dài trong bao lâu?” và vị Sa môn đã trả lời là:
“Chỉ dài bằng một hơi thở”. Đức Phật nói: “Đúng vậy. Ông là người hiểu đạo”.
Điều này có nghĩa là cuộc sống chỉ dài
lâu như mỗi hơi thở, hơi thở tiếp theo có thể không đến sau khi hơi thở này kết
thúc. Với “ngày tận thế” chính xác hay nói đúng hơn là ngày chết của mỗi người
là khác nhau, trừ một số trường hợp chết cùng nhau.
Nếu cho rằng thế giới sẽ không kết thúc
vào năm 2012 nhưng sẽ vẫn có thảm họa lớn với một số người đang sống. Bằng chứng
là vẫn có nhiều người chết do thảm họa mỗi năm. Đối với những người đang bị trọng
bệnh hay đang chịu khổ đau thì đó đã là “ngày tận thế” hay ngày thảm họa.
Trong kinh Phật, đức Phật Thích Ca đã
nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”. Do vậy, hiểm họa, nếu có do đâu mà sinh
ra? Đó là từ nơi ý niệm bất thiện mà tạo thành. Chúng ta hướng thiện thì tai nạn
liền được hóa giải và ngược lại nếu chúng ta suy nghĩ theo những hướng tiêu cực
thì bản thân sẽ “mua” nhiều phiền não mà thôi.
Hãy sống với giây phút hiện
tại
Trên thực tế, chúng ta cũng biết cái chết
sẽ xảy ra và con người không biết chắc chắn khi nào nó đến. Có thể là chúng ta
sẽ chết bất cứ lúc nào, trước hoặc sau năm 2012. Bởi vì cuộc sống này không chắc
chắn, trong khi cái chết là điều chắc chắn.
Nếu như chúng ta cứ chấp vào ý nghĩ rằng:
Con người sẽ chết hoặc bị thảm họa trong năm 2012 có thể dẫn đến sự tự mãn tinh
thần thì rất nguy hiểm.
Vì thế, chúng ta phải luôn ý thức sống một
cuộc sống trọn vẹn với chính pháp; sống trọn vẹn trong từng phút giây hiện tại,
càng thực hành lòng từ bi và trí tuệ càng nhiều càng tốt. Đó được gọi là an trú
trong hiện tại.
Bằng cách hãy làm thật tốt những công việc
chúng ta đang làm ở cơ quan hay ở nhà, làm tròn đúng bổn phận của người cha,
người mẹ, người con...Hãy sống vui vẻ, hoà đồng và có những cử chỉ tốt đẹp với
những người xung quanh để đem yêu thương đến với mọi người, mọi nhà...
Đức Phật đã từng nói: “Sự sống chỉ có mặt
trong hiện tại nên tâm ý con người phải luôn an trú trong hiện tại”. Theo lời dạy
này, chúng ta có thể hiểu rằng: quá khứ đã đi qua, trong khi tương lai chưa tới.
Theo đó, con người muốn thoát khổ thì những tu tập hay công việc thường ngày của
họ phải biết tập trung vào hiện tại, vào chính ngày hôm nay.
Còn trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu cũng đã
nói: “Đừng lo lắng cho ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ
của ngày đó”. Lời dạy của đức Phật hay chúa Giêsu có nhiều điểm giống nhau, đều
mong muốn con người sống với từng giây phút hiện tại với những gì đang diễn ra.
Dẫu biết rằng, rất nhiều người đang tin
rằng “ngày tận thế” sẽ diễn ra nên đã có nhiều sự chuẩn bị, có thể tạm gọi đó
là...phòng xa. Biết phòng xa là một đức tính tốt để có thể tự lo cho bản thân,
không trở thành gánh nặng cho người khác nhưng ít người hiểu rằng biết tập
trung cho hiện tại cũng là một cách phòng xa.
P.V
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét