Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Taliban tàn phá các pho tượng cổ...

Vài lời đến với bạn đọc

 Có thể nói Andrew Lam là một trong những nhà báo Việt Nam ở hải ngoại có một tầm mức viết bài khá cao, cho nên vào tháng 3-2001, bài này được đăng trong tờ nhật báo của Atlanta (AJC). Gần đây, các bạn cũng đã theo dõi tin tức của cô bé người Parkistan: Malala Yousufzai, bị bọn Taliban ám sát trước cổng trường vì cô ta đòi hỏi sự bình quyền về giáo dục của nam và nữ ở Parkistan nói riêng và khối Á Rập nói chung. Sau khi Nga từ bỏ chiến trường A Phủ Hản (thua trận thì đúng hơn), thì đảng Taliban đứng lên nắm quyền. Đầu năm 2001, họ tàn phá những pho tượng Phật nằm trên con đường Silk Road (Đường Tơ Lụa), cho dù chỉ là một di tích lịch sử mà thôi. Và sau đó biến cố tháng 9-2001 trên nước Mỹ và Taliban bị tiêu diệt chỉ trong vòng vài tuần lễ đầu của cuộc chiến. Bài này tác giả chỉ nói lên một khái niệm chính yếu là lòng vị tha và sự hiểu biết của tôn giáo..….Mời các bạn thưởng thức nhé.

Enjoy – Sói Đồng Hoang
Đảng Taliban có thể dùng bài học của Phật Giáo
                             Andrew Lam: Associate editor of Pacific News Service
                                                          SDH: Dịch Thuật - Tháng 3, 2001
Andrew Lam

Khi tôi lên 8 hoặc 9 tuổi, có một biến cố xảy ra mà tôi không thể nào quên được suốt đời tôi. Tôi đang chơi chạy cút bắt với vài đứa em họ, xui xẻo thay tôi ngã vào cái bàn thờ, bên trên có một pho tượng Phật. Tượng Phật bằng sứ rơi từ trên cao xuống vỡ tan từng mảnh vụn dưới chân tôi.
Mẹ tôi lấy làm xấu hổ và giận dữ la mắng tôi: Con đã làm một chuyện rất là xúc phạm, động trời như thế! Tôi chỉ có biết khóc òa lên mà thôi. Nhưng ông của tôi với một quả tim đầy lòng trắc ẩn, chỉ mỉm cười và vuốt đầu tôi rồi nói: Cô để cho cháu được yên. Đó chỉ là một bức tượng mà thôi. Nếu cô hiểu về Đức Phật, thì cô sẽ tìm thấy Đức Phật ở mọi nơi!
Lúc đó, như một điều gi hé nở trong tôi. Tôi cũng như hàng triệu người khác, đã từng cầu nguyện Phật Thế Tôn như là một đấng thượng đế và cầu xin nơi Ngài sự che chở cùng tiền tài, phước lộc.  Từ ngày hôm đó, tôi bị Phật Giáo quyến rũ, không phải vì lý do tôn giáo, mà là vì sự giao cảm trực tiếp của nhân sinh.
Khi tôi đọc báo thấy những lãnh tụ Taliban của A phủ Hãn đã hủy diệt những bức tượng Phật ngàn năm cổ kính đó, làm cho tôi chợt liên tưởng đến ông của tôi. Những người Taliban đã tạo dư luận thật phẫn nộ trên quốc tế vì những hành động tồi bại của họ, nhưng chắc cũng chỉ làm cho ông của tôi mỉm cười mà thôi: Các ông chưa chắc đã tận diệt được Phật Giáo bằng cách đập phá những tượng Phật, cũng không hơn gì những người đã từng dùng súng ống để chuyển giáo con người!
Trong cuộc đời này, tôi đã từng chứng kiến một vài chủ nghĩa mù quáng, để rồi họ cũng bị tàn rụi, chế độ cũng bị sụp đổ và chính quyền cũng bị đảo chánh. Cái giới tuyến của một quốc gia luôn luôn lúc nào cũng bị đổi dời vì con số di dân khổng lồ và vì nền kỹ thuật tiến bộ một cách khủng khiếp. Nhưng tôi vẫn chưa thấy được con người ngừng nghỉ một giây phút nào cho sự khao khát của một đời sống tâm linh và cho một sự an lạc của nội tâm. Ngược lại, càng nhiễu nhương và đau khổ chừng nào thì chúng ta lại càng muốn kiếm tìm sự an lạc để có thể vượt qua được sự dày vò, đau khổ trên trần thế.
A Phủ Hãn cũng giống như  nước Việt Nam của tôi, đã trải qua nhiều khốn đốn vì là nơi mà những cường quốc đã từng dùng làm chiến trường tranh chấp trong cuộc chiến tranh Lạnh của họ. Đảng Taliban này chỉ là một nhóm duy nhất còn lại có thể phục hồi được trật tự, an ninh của một quốc gia đổ nát, điêu tàn với quá nhiều tranh chấp của đảng phái, và tài nguyên quốc gia lại quá hiếm hoi. Nhận xét một cách công bình thì họ nhận rất ít sự viện trợ của ngoại quốc vì họ đã quá tàn bạo trong việc đề cao và thực tập về Hồi Giáo một cách quá cực đoan, phản lại những giá trị của các nước Tây Âu.
Tuy nhiên tôi chỉ ái ngại rằng những lãnh tụ Taliban đã sai lầm nếu họ nghĩ rằng tiêu diệt những tượng Phật hàng ngàn năm cổ kính kia, sẽ giúp họ trong việc thống trị quốc gia họ. Nếu sự phủ nhận những tôn giáo khác đã chẳng những nói lên sự hạn hẹp, mà còn nói lên sự bất an và lòng sân, si, hỷ, nộ.
Sinh ra ở thế kỷ thứ 6 trươc tây lịch, được những sử gia gọi là thời đại Kim Khí thứ nhất, một kỷ nguyên sáng chói bởi Khổng Tử, Lão Tử, Socrate, và Plato, Đức Phật là một nhà quí tộc từ bỏ gia đình để tìm kiếm cõi niết bàn. Đức Phật tin rằng: Ngài đã thức tỉnh để khám phá ra chân lý từ cái bản thể sâu kín nhất của chúng sanh, như là bà Karen Armstrong đã viết trong quyển thân thế của Phật Thích Ca gần đây. Ngài đã nhập niết bàn và đã khám phá ra một sự hoán chuyển của nội tâm cao cả nhất; Ngài đã tìm ra sự an lạc và tiêu diệt được sự khổ đau trên cuộc đời.
Ngài đã dạy người phật tử về Dharma - Nguyên tắc căn bản của chúng sanh và những thực tập dựa trên nền tảng của lòng bác ái và sự tịnh tâm. Cả cuộc đời ngài đã phục vụ cho chúng sanh cũng là để cố tình đánh bại được kẻ thù khủng khiếp nhất của người con phật - Cái Ngã.
Cuối cùng, nếu cái ngã thúc đẩy con người trở nên tham, sân, si và làm cho họ lạc lối không thể tìm về được sự an lạc của nội tâm, hoặc có thể nhận định một cách rõ ràng thực chất chung quanh, thì tinh thần quốc gia hầu như đó là sự phối hợp của những cái ngã của một tập thể. Nếu đi quá xa, và được sự hổ trợ của tôn giáo nữa, thì đôi khi sẽ đưa đến tình trạng tôn giáo cực đoan và chủ nghĩa bài ngoại.
Giờ đây chúng ta đã bước vào thời đại mà các nhà tư tưởng học, triết gia gọi là thời đại Kim Khí thứ hai, cái thời đại của tập thể đa số, trong đó những triết lý về tôn giáo cũng có thể hiện hữu cùng lúc với nhau được. Trong bối cảnh thuận tiện nhất, điều này sẽ tạo ra điều kiện cho con người phát triển lòng vị tha, bác ái. Dù muốn dù không, trong thời đại của ngày nay, không một quốc gia nào có thể tồn tại một cách đơn độc, hay là cái ranh giới của họ sẽ không bao giờ thay đổi. Con đường Thương Mãi từ Xian (Trung Hoa) tới Trung Đông và Âu Châu (được gọi la Silk Road - con đường Tơ Lụa, vào đời nhà Hán, hơn 2.000 năm trước), cùng với phật giáo và những tôn giáo khác đã đi ngang qua A Phủ Hãn và những tư tưởng mới khác sẽ đi qua quốc gia này lần nữa - Có lẽ trên một xa lộ vĩ đại hơn - Xa lộ của tin tức trên mạng lưới qua hệ thống điện toán (Information highway)
Trong tri thức của phật giáo, thì sự đập đổ những pho tượng Phật này được ví như những biến cố nho nhỏ trong một ngôi chùa nào đó. Chắc chắn rằng chính Đức Phật cũng không muốn chúng sanh lập ra những hình tượng của Ngài; chính cuộc đời của Đức Thế Tôn và những bài pháp thoại đầy lòng bác ái, vị tha mới đuợc xem là quan trọng.
Nếu ông của tôi vẫn còn sống, thì ông cũng nói rằng, thà giúp đỡ những người nghèo khổ, chăm sóc người bệnh hoạn và đào tạo sự hướng dẫn về tâm linh còn quan trọng hơn là chú ý đến những pho tượng cổ kính đó.
Phật Giáo đã tồn tại trên 2.600 năm bởi vì dựa trên một tôn giáo nhằm tạo ra sự an lạc, khuây khỏa và diệt khổ, và tất cả ai đó cũng có thể trở thành người Phật tử được. Chắc chắn rằng Phật Giáo sẽ lôi cuốn thêm nhiều phật tử nữa nếu thế giới chúng ta đang sống đây vẫn còn nhiều sự nhiễu nhương, tàn bạo và Phật Giáo sẽ còn tồn tại mãi mãi ngay cả khi mà những lãnh tụ độc tài kia biến dần đi từ cõi thế này.

3 nhận xét:

  1. Trời ạ, BP đem tấm hình của Andrew Lam lên mà không ghi chú một lời nào, độc giả lại tưởng là hình của Sói thì sao?

    lol...SĐH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Sói đẹp giai hơn nhiều!
      Sorry! BP nhận thiếu sót.

      Xóa
  2. Làm sao mà nhầm lẫn được . Anh Sói đừng lo ...

    Trả lờiXóa