Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Điềm tĩnh trước thảm họa

Không kích động, không giận dữ là là tinh thần của người Nhật khi họ làm những gì phải làm trong im lặng và với chân giá trị của mình trong lúc phải hứng chịu trận thảm họa kép hiện nay.
Ngày 13/03 có lẽ là một dấu mốc lịch sử của nước Nhật bởi lần đầu tiên phải đương đầu với mối đe doạ phóng xạ lan khắp nơi kể từ sau cơn ác mộng Nagasaki và Hiroshima bị đánh bom nguyên tử năm 1945.
Bản tin sáng của nhiều tờ báo trong và ngoài nước đã loan tin một trận động đất kinh hoàng 9 độ richter xảy ra ở vùng bờ biển đông bắc Nhật và kéo theo sóng thần cao tới 10m ập vào đất liền khiến hơn 10.000 người mất tích. Nước Nhật tan hoang, ước tính số người thiệt mạng và mất tích được dự báo là đã vượt quá 10.000 trong khi con số tử vong chính thức đã lên đến 1.597 người.
Thảm họa động đất và sóng thần chưa hết, Nhật hiện phải đối mặt với rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân, mối đe dọa lớn nhất từ trước đến nay. Tính đến ngày 15/3, ít nhất 3 vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã xảy ra. Hàng trăm nghìn người trong bán kính 20km kể từ nhà máy hạt nhân đã được sơ tán.
Được biết toàn bộ 5 lò phản ứng (2 ở nhà máy Fukushima số 1 và 3 ở nhà máy Fukushima số 2) trong khu vực bị động đất mạnh nhất đều đã ngừng hoạt động. Nguy cơ tai hại, rò rỉ phóng xạ, đang làm hàng triệu con người lo lắng, không chỉ ở Nhật Bản mà các nước trên thế giới.
Đất nước đứng trước những mất mát, khó khăn và thách thức như vậy, đích thân Thủ tướng Kan và tổng thư ký nội các Edano đã mặc quần áo kaki, trang phục tác nghiệp ở Nhật khi xuất hiện trên truyền hình để trấn an dân chúng và công bố những biện pháp khẩn cấp của Chính phủ.
Đoàn người xếp hàng để chờ nhận nước ở Sendai. Vì đông người quá nên phải xếp uốn cong mới đủ.
Mọi người xếp hàng trước cửa một siêu thị ở Sendai 
Thủ tướng Naoto Kan chia sẻ với nhân dân Nhật rằng: "Động đất, sóng thần và các nhà máy điện hạt nhân là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 65 năm qua kể từ Thế chiến II. Việc người Nhật chúng ta có vượt qua được thử thách này hay không phụ thuộc và bản thân mỗi chúng ta. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chúng ta có thể vượt qua được trận động đất và sóng thần ghê gớm này bằng cách đoàn kết lại".
Niềm tin của ông Kan có căn cứ mạnh mẽ. Bởi sự phối hợp gấp rút nhưng nhịp nhàng, bài bản của chính quyền và dân chúng, một thái độ ứng xử trước thảm họa một cách điềm tĩnh và đoàn kết đã chứng minh điều đó.
Khi tới thăm vùng thảm họa, nhà báo Alex Thomson kể lại rằng không hề có khóc lóc, không kích động cũng chẳng chút giận dữ. Đó là tinh thần của người Nhật khi họ làm những gì phải làm trong im lặng và với chân giá trị của mình. Nước đã rút đi, nhưng con sông của thị trấn tràn ra khắp nơi; có nhiều vũng nước biển tù đọng và khắp nơi toàn bùn. Trong khi đó, các nhân viên cứu hộ bình tĩnh nhặt một thi thể nữa và đặt vào một tấm chăn - họ phải làm bằng tay. Với tất cả yêu thương, kính trọng và nghiêm trang, những người này quấn nạn nhân lại và điều đó gây xúc động hơn bất kỳ một giọt nước mắt nào.
Người thân đã ra đi, tài sản cũng không còn gì nữa nhưng một nụ cười điềm đạm của một chủ nhà hàng ở Minami Sanriku vẫn nở trên môi kể lại may mắn sống sót nhờ tiếng còi báo động.
Từ xưa đến nay, thế giới biết đến Nhật Bản với nền tảng đạo lí cao. Người dân Nhật luôn được rèn luyện tinh thần thép để ứng phó trong mọi hoàn cảnh. Ý thức người dân Nhật được thể hiện rõ trong những ngày nước Nhật tan hoang, bối cảnh giao thông khó khăn, mất điện, không có nước sinh hoạt nhưng dân chúng vẫn kiên nhẫn xếp hàng nhận nước, lên xe buýt hoặc chờ gọi điện thoại công cộng. Dù xếp hàng có lâu và dài đến mấy, cũng không ai chen lấn hay xô đẩy, giành giật nhau, tất cả đều im lặng và nhẫn nại.
Do vậy, mặc dù trải qua cơn thảm họa, nhiều người Nhật đau xót nhưng dường như ngay chính người trong cuộc lại có thái độ bình tĩnh hơn người ngoài cuộc. Qua trận thảm khốc này, có lẽ chúng ta cần học tập và rèn luyện một "cái đầu" điềm tĩnh để có được những hành động ứng xử cũng điềm tĩnh và đầy ý thức để ứng biến trong bất kì hoàn cảnh nào như đất nước Nhật đã và đang phải trải qua.
Và không cần phải học những gì cao xa mà chỉ cần bắt đầu học từ việc nhỏ nhất đó là ứng xử trong tham gia giao thông, lễ hội, hay trong sinh hoạt hàng ngày...mỗi người chỉ cần nhường nhịn, ứng xử văn minh, không nóng nẩy thì một ngày nào đó không xa chúng ta cũng sẽ được như nước Nhật hôm nay.

LAN ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét