Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Viêm gan siêu vi C - căn bệnh thầm lặng!

Rượu, bia làm gan xơ hóa nhanh hơn

Viêm gan siêu vi C là một bệnh không những nguy hiểm mà còn diễn tiến rất âm thầm. Nhiều người mắc bệnh mà không có biểu hiện rõ rệt và chỉ được phát hiện khi đã chuyển sang giai đoạn xơ gan hay ung thư gan...
Sau khi siêu vi C xâm nhập cơ thể chúng sẽ đi đến gan và tại đó siêu vi bắt đầu sinh sôi nảy nở. Diễn tiến của bệnh thường là một lộ trình đi từ cấp tính (thời gian bệnh ngắn hơn 6 tháng) đến mạn tính (bệnh kéo dài trên 6 tháng). Những trường hợp mạn tính là do đa số bệnh nhân không có khả năng tự loại trừ siêu vi ra khỏi cơ thể.
Xơ gan là một bệnh lý rất nặng nề của gan nhưng bệnh nhân vẫn có thể không cảm thấy bị đau đớn gì trong thời kỳ đầu. Người ta gọi đó là xơ gan không triệu chứng. Khi bệnh nhân thấy mình có những dấu hiệu của bệnh gan như chán ăn, mệt mỏi, bụng báng ngày càng to do ứ nước, phù chân, vàng da vàng mắt, chảy máu răng, chảy máu cam... đó là lúc bệnh đã tiến vào giai đoạn cuối. Xơ gan là điều kiện cần thiết để gây ra ung thư gan cho người bị nhiễm siêu vi C.
Những ai có nguy cơ nhiễm siêu vi C?
Là người bị chứng bệnh ưa chảy máu hoặc có bất cứ những chứng bệnh gì khác và đã từng được truyền máu vào trước năm 1992 (siêu vi C được tìm thấy vào thập niên 1990). Người từng có những cuộc mổ xẻ lớn, thí dụ như do chấn thương trước năm 1992 và có khả năng đã quên rằng mình được truyền máu. Người bị suy thận và được lọc máu. Người có đang hoặc đã từng chích ma túy trong quá khứ dù chỉ một lần duy nhất. Người được ghép các cơ quan nội tạng. Là con của những người mẹ bị nhiễm siêu vi C. Có quan hệ tình dục với nhiều người mà không dùng biện pháp bảo vệ. Là người sống chung hoặc là vợ hay chồng của người bị nhiễm siêu vi C, dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kềm cắt móng tay chung với người nhiễm siêu vi C. Người đi xăm mình, xỏ lỗ tai, châm cứu... ở những nơi mà điều kiện vô trùng kém.
Người bị nhiễm siêu vi C cần kiêng cữ ra sao?
Có đến 85% số người bị nhiễm siêu vi C sẽ diễn tiến sang viêm gan siêu vi C mạn tính. Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ tiến triển của bệnh, trong đó chế độ ăn uống có một vai trò quan trọng vì tất cả thức ăn và nước uống đều được chuyển hóa ở gan.
Rượu, bia là chất độc cho gan. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu những người bị nhiễm siêu vi C uống rượu sẽ làm cho siêu vi C phát triển nhanh chóng, gan xơ hóa nhanh hơn. Nếu có uống rượu, không được quá một ly nhỏ mỗi ngày. Tốt hơn hết là nên tránh hoàn toàn rượu, bia.
Trong cơ thể, gan là cơ quan chứa nhiều chất sắt. Gan của người bị nhiễm siêu vi C có khuynh hướng giữ chất sắt nhiều hơn và điều này sẽ làm gan bị hư hại. Nếu thử máu phát hiện chất sắt bị dư thì cần phải hạn chế những thức ăn giàu chất sắt như các loại thịt có màu đỏ, gan động vật, những ngũ cốc giàu chất sắt, các loại vitamin có chứa chất sắt. Nên tránh dùng nồi niêu bằng sắt nấu ăn.
Những người thừa cân, béo phì có thể làm gan bị nhiễm mỡ và gan có thể bị viêm do chất mỡ. Do vậy bệnh nhân bị viêm gan siêu vi C được khuyên là nên duy trì cân nặng trung bình. Cần áp dụng chế độ ăn giảm mỡ, giảm cân nặng.
Người bị nhiễm siêu vi C cần ăn uống đầy đủ chất đạm mỗi ngày để giúp tế bào gan tăng trưởng và hồi phục.
Gan khi bị xơ có thể dẫn đến tình trạng nước bị ứ lại trong ổ bụng gọi là báng bụng. Những bệnh nhân này thường phải hạn chế lượng muối ăn vào. Những loại thịt có màu đỏ thường có hàm lượng muối cao vì vậy nên giảm ăn thịt và nên thay bằng đạm thực vật. Ngay cả những người bị nhiễm siêu vi C mà không bị báng bụng cũng được khuyên không nên ăn nhiều muối.
Hút thuốc lá làm gia tăng khả năng xơ gan ở bệnh nhân nhiễm siêu vi C.
Cần thận trọng khi dùng bất cứ loại thuốc nào vì thuốc cũng được chuyển hóa ở gan. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ.
Đã có thuốc điều trị bệnh viêm gan siêu vi C?
Loại thuốc đầu tiên được Hiệp hội thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận có tác dụng trong điều trị bệnh viêm gan siêu vi C là interferon. Thật ra interferon là một chất tự nhiên do cơ thể tiết ra để chống lại siêu vi xâm nhập. Đôi khi cơ thể không tạo đủ interferon để loại trừ siêu vi nên cần cho thêm thuốc interferon vào để giúp cơ thể có nhiều cơ hội chiến thắng bệnh tật. Thuốc này ban đầu được dùng một mình và tỷ lệ thành công chỉ vào khoảng 15 - 20% trong số bệnh nhân được điều trị.
Đến năm 1998, nhiều thử nghiệm đã chứng minh rằng việc phối hợp interferon với một loại thuốc dạng viên khác có tên là Ribavirine (ribazole) đã nâng tỷ lệ thành công điều trị lên gấp đôi (khoảng 40%).
Khi gắn kết interferon với một hay nhiều chuỗi poly ethylen glycol (PEG) người ta tạo được một loại interferon có tác dụng dài (PEGASYS). Thuốc chỉ cần chích một lần mỗi tuần thay vì phải chích 3 lần mỗi tuần như interferon thông thường. Khi dùng phối hợp với Ribavirine, tỷ lệ thành công đã tăng lên 60 - 80% tùy theo kiểu gen của siêu vi mà chúng ta đang nhiễm.
Viêm gan siêu vi C là một căn bệnh thầm lặng và rất nguy hiểm. Việc khám sức khỏe tìm ra bệnh là rất cần thiết để phát hiện bệnh sớm. Khả năng điều trị bệnh thành công ngày càng cao. Người nhiễm siêu vi C cần chú ý đến chế độ ăn để bảo vệ lá gan của mình, góp phần tích cực trong quá trình điều trị.

ThS.BS. ĐINH DẠ LÝ HƯƠNG
(Trường đại học y dược TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét