Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Lòng trắc ẩn mãi ở đằng kia


TT - Thế giới người giàu, mới nhất có lẽ là người Ấn, không ít người dân tự hào về căn nhà tỉ đô đắt nhất thế giới xây kéo dài bảy năm trên đất nước họ, tổng cộng 37.000m2, 27 tầng dành cho một gia đình sáu người với 600 người phục vụ. Nghĩa là cứ 1 người thì có 100 người phục vụ.
Đó chỉ là một ví dụ ít ỏi về sự giàu có trên thế giới mà không riêng gì Ấn Độ, khác chăng chỉ là mức độ người giàu của từng đất nước đối phó với sự xa xỉ của chính mình mà thôi.
 Nội thất các phòng trong biệt thự tỉ đô 
được thiết kế rất sang trọng - Ảnh: The Sun
Cái giàu luôn luôn là niềm hi vọng, kỳ vọng, là mặt tiền để có thể xây dựng lòng hồ hởi dân tộc cũng như khả năng vênh mặt với thế giới. Nhưng cũng là nơi khởi thủy những mối lo ngại, như trường hợp của Ấn Độ ở trên, theo LA Times, phần lớn tỉ phú Ấn Độ ngày nay không uống rượu hoặc cưới các cô vợ trẻ, nhưng cũng khác những người Ấn Độ giàu xưa, họ rất hiếm hoi tài trợ cho những dự án xã hội. Nghĩa là với số tiền đó họ chỉ phục vụ cho sự xa hoa hoặc những lý do khác, ngoại trừ giúp đỡ người nghèo. Tham nhũng cũng là một trở ngại để đưa họ đến gần với người nghèo. Bởi thay vì cho người nghèo thì họ phải chi cho tham nhũng, tức họ chi cho người giàu.
Khi nhìn căn nhà 1 tỉ đô tự dưng cứ hiển hiện lên những hình ảnh bộ phim nổi tiếng Triệu phú khu ổ chuột, Mumbai là cái tên của sự nhức nhối đó, nơi được mệnh danh là khu ổ chuột tồi tệ nhất châu Á. Và tùy theo mỗi đất nước mà có một Mumbai riêng trong lòng mình.
Điều đó không hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế xã hội mà còn phụ thuộc vào tấm lòng, cái phần nhẹ tênh mong manh nhất nhưng lại là nơi cầm cân nảy mực cho những thay đổi. Không một dự án tốt đẹp nào không khởi đi từ lòng trắc ẩn. Và vì thế, sự vô cảm và tội ác cách nhau chỉ một gang tay.
Lão Tử nói chính có thể trở thành tà, thiện có thể biến thành ác, không có gì chắc chắn được, qua biết bao thời gian hóa ra điều này vẫn không thay đổi.
Không đâu xa, tại bất cứ nơi sang trọng bậc nhất nào ở VN, khi bạn đi vệ sinh đều có một người đứng sẵn đâu đó chờ để đưa cái khăn tay, hoặc chờ bạn vừa bước ra là vội vàng chạy vào lau lau dọn dọn. Hoặc ca sĩ, người mẫu của chúng ta sẵn sàng chi vài nghìn đô để mua một phụ kiện, một giỏ xách, một khăn choàng, một đôi giày để dùng.
Khi chúng ta giàu, chúng ta có quyền thưởng thức điều này, bởi đó là cái giá xương máu mà người giàu phải trả, nhưng vẫn thấy xốn xang cho người nghèo với những ai xem qua chương trình Vượt lên chính mình: nhiều gia đình túng thiếu một, hai triệu bạc đã phải loay hoay cả chục năm trời trong tuyệt vọng. Cho đến khi chương trình ghé qua cứu họ. Nhưng còn bao nhiêu con người khác không đến được với truyền hình, báo chí? Bao nhiêu con người đang cúi đầu trong những làng mạc heo hút nào đó với đất cát, sương gió và đói nghèo.
Thật ngạc nhiên làm sao về cái thế giới mà chúng ta đang sống, dù đã đi qua hơn 2.000 năm vẫn còn khao khát lòng trắc ẩn như một sự cứu rỗi. Hay nói khác hơn, hơn nửa thế giới vẫn đang chờ đợi mỏi mòn lòng trắc ẩn của một ai đó để có thể sống tốt hơn, như một ngọn đèn rọi vào những góc khuất tối tăm. Nó khiến mỗi trái tim nghèo chạnh lòng và cuộc sống người giàu càng làm cho trái tim nghèo teo tóp hơn nữa.
NGUYỄN NGỌC THUẦN
Báo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét