Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Cách xử trí khi đẻ rớt

Mỗi thai phụ đều có ngày dự sinh riêng được bác sĩ tính dựa vào ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối hay việc siêu âm ba tháng đầu, ngày dự sinh này được ghi vào sổ khám thai. Tuy nhiên không phải ai cũng sinh đúng ngày dự sinh. Có những thai phụ sinh sớm hoặc muộn hơn ngày dự sinh.
Khi xuất hiện một trong các dấu hiệu sau đây là thai phụ nên vào viện: 1. Đau bụng từng cơn, kèm với cơn đau là tử cung gò căng, khoảng 10 phút có 2-3 cơn gò; 2. Ra nhớt hồng âm đạo; 3. Ra huyết âm đạo; 4. Ra nước ối. Trong điều kiện như TP.HCM có thể kẹt xe bất cứ lúc nào, do vậy thai phụ không nên chờ có cơn đau nhiều mới đến bệnh viện mà nên đến sớm.
Khi đang ngồi trên xe, nếu thai phụ có dấu hiệu đau nhiều và than muốn rặn, ra huyết nhiều... người nhà cần đưa thai phụ đến cơ sở y tế gần nhất (ngay cả trạm y tế phường, nếu đến bệnh viện tuyến quận, huyện thì càng tốt) để được hỗ trợ, chứ không nhất thiết phải tới bệnh viện mình muốn.
Tuy không phải là cơ sở y tế lựa chọn ban đầu của thai phụ hoặc gia đình, nhưng nhân viên y tế nơi ấy sẽ giúp thai phụ xử trí trong tình huống nguy kịch, sau đó gọi xe cấp cứu để chuyển sản phụ đến bệnh viện khác nếu cần.
Trường hợp chẳng may trẻ có xu hướng rớt ra hoặc đã rớt ra trên xe thì việc đầu tiên người nhà cần làm là cho sản phụ nằm, hai chân dang rộng để đón em bé. Khi bé lọt ra rồi phải lấy khăn hoặc quần áo để quấn, giữ ấm cho bé. Lấy vải sạch lau nhớt ở miệng bé.
Người nhà nên lấy sợi chỉ hoặc sợi dây vải cột tạm thời dây rốn của bé để thắt đường dẫn máu giữa mẹ và con, tránh nguy cơ mất máu của bé trong giai đoạn sổ nhau sau đó, rồi đưa cả hai đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí.

TS.BS LÊ THỊ THU HÀ (Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM)
THÙY DƯƠNG ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét