Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Chân dung những “Nick Vujicic” Việt Nam



(Dân trí) - Khuyết tật cơ thể nhưng “tàn mà không phế”. Họ có một nghị lực sống phi thường, khát vọng vươn lên mãnh liệt. Họ đã sống trọn vẹn cho mình và cho người khác. Họ là những “Nick Vujicic” của Việt Nam.
Những nghị lực phi thường này chính là những hạt giống tâm hồn Việt sẽ được giao lưu với chàng trai không chân, không tay Nick Vujicic trong lần đến Việt Nam sắp diễn ra. Không những thế, những con người vượt lên số phận này sẽ được tôn vinh và nhận cúp “Ý chí - Nghị lực Việt Nam” tại buổi giao lưu.
Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến tốt nghiệp cả 2 trường Đại học Kinh tế và Đại học Sư phạm, nhưng cuộc sống tươi đẹp ngày ấy không mỉm cười với chị vì người ta luôn từ chối người khuyết tật. Không chịu gục ngã, chị bước tiếp trên con đường khó khăn. Nhận học bổng của Ford Foundation, chị sang Mỹ theo học chuyên ngành phát triển con người của Đại học Kansas. Từ chối ở lại học tiếp tiến sĩ và vị trí cố vấn cho một chương trình phát triển 12 nước Châu Mỹ La tinh, chị về nước để thực hiện giấc mơ của mình: Thay đổi cuộc sống của người khuyết tật.


Chị thành lập Trung tâm phát triển - DRD với hoạt động rộng khắp miền Nam Việt Nam với các chương trình học bổng, đào tạo kỹ năng, hỗ trợ việc làm… Chị còn là giảng viên phân tích hành vi của trường Đại học Mở TPHCM, là cố vấn một số nghiên cứu và dự án phát triển cộng đồng và là diễn giả của các diễn đàn trong và ngoài nước.
Năm 2009, chị nhận giải thưởng ITOGA Châu Á Thái Bình Dương cho những cống hiến làm thay đổi cuộc sống người khuyết tật. Năm 2010, nhận giải thưởng của Chính phủ Mỹ “President’s Call to Service Award”.
Hoạt động của chị có ảnh hưởng rất lớn đến việc thay đổi nhận thức cộng đồng và người khuyết tật về các vấn đề khuyết tật đang đối mặt, đóng góp cho việc xây dựng và sửa đổi luật, chính sách liên quan đến người khuyết tật.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký: Đối với nhiều người Việt Nam, Nguyễn Ngọc Ký là một huyền thoại sống. 4 tuổi bị liệt hoàn toàn 2 tay và mọi việc đều được thực hiện bằng đôi chân kỳ diệu nhưng Nguyễn Ngọc Ký luôn là học trò xuất sắc từng 2 lần được Bác Hồ khen thưởng.


Trở thành thầy giáo đáng kính, ông không ngừng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Ông chính là người thầy viết bằng chân đầu tiên ở Việt Nam do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận và vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Ở tuổi về hưu, ông vẫn đóng góp cho xã hội với vai trò là người tư vấn tâm lý và giáo dục qua tổng đài 1080.
 “Không đỉnh cao nào không kề cận bên ta khi ta biết thắng mình mỗi phút giây qua. Và, không có gì ngày mai không đạt được nếu hôm nay ta biết học hết mình”, thầy Ký tâm sự.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan sinh ra và lớn lên tại một làng nhỏ thuộc tỉnh Thái Bình. Bích Lan từng là học sinh chuyên văn của trường năng khiếu, 14 tuổi phải nghỉ học giữa chừng vì chứng loạn dưỡng cơ. Dù vậy, không gì có thể quật ngã ý chí của cô gái nhỏ. Chỉ sau 4 năm miệt mài tự học tiếng Anh và học tất cả những gì cô có thể, cô bắt đầu dạy cho trẻ trong vùng. Đến nay, đã có hơn 200 học trò, trong đó có 8 người thành đạt từ sự tận tâm của cô.
 

Ở tuổi ngoài 30, cô là dịch giả của 18 cuốn sách, trong đó có nhiều cuốn nổi tiếng như: Từ sông Nile đến sông Jordan, Người đàn ông hào hoa, Dance with your heart, Triệu phú khu ổ chuột… và là tác giả của nhiều thơ, truyện ngắn. Bích Lan là đại diện cho người không bao giờ từ bỏ ước mơ.
Với Bích Lan: “Trong nhiều hoàn cảnh, bản thân sự cố gắng hết sức còn quan trọng hơn kết quả của sự cố gắng. Chỉ cần cố gắng hết sức, vậy là đủ”.

Chị Nguyễn Hướng Dương: Tai nạn năm 25 tổi dường như đã đóng lại cánh cửa đời tươi đẹp của cô gái Nguyễn Hướng Dương. Nhưng cái duyên gặp gỡ những câu chuyện đời sống trong bóng tối lại vực chị dậy để bước tiếp con đường phía trước. Được các mạnh thường quân tiếp sức một phòng thu, chị như được chắp thêm cánh và lao vào việc không mệt mỏi. Kết quả là hơn 900 đầu sách nói đã đến với cộng đồng người khiếm thị.


Ngoài vai trò Giám đốc, chị còn thể hiện tại MC và tham gia nhiều hoạt động xã hội. Chị vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch Nước trao tặng và Huy chương “Vì hạnh phúc người mù” do Hội người mù Việt Nam trao tặng.
Chị từng tâm sự: “Những tai họa xảy đến trong đời đều có giá trị của nó, giúp ta nhận ra nhiều sự việc, nhìn thấy cuộc đời rõ ràng hơn, tự tin hơn vào sức mạnh tự thân để chuyển họa thành phúc”.



Nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh - Như cây xương rồng trên cát
7 tuổi anh đã mất cha, 14 tuổi mẹ cũng qua đời, biến cố năm lên 8 khiến anh chỉ còn mỗi cánh tay trái. Nhưng chính cánh tay này, Nguyễn Thế Vinh đã làm được nhiều thứ đáng trân trọng. Cũng với cánh tay và sự nỗ lực không ngừng đã từng ngày tôi dũa anh thành con người tài hoa, một nghệ sĩ đa tài và người thầy với trái tim nóng ấm. Tốt nghiệp đại học kinh tế nhưng anh bỏ qua niềm vui riêng của bản thân để xây dựng một ngôi trường giúp các em thanh thiếu niên thiệt thòi được bước vào trường đại học, thay đổi cuộc đời.


Người thầy ấy sống giản dị và chân thành đang chắp cánh cho tương lai hơn 70 cô cậu học trò nhỏ, Trung tâm bảo trợ Hướng Dương của anh giờ là mái nhà chung của nhiều thế hệ học trò mồ côi hay khuyết tật giúp các em. 100% các em từ ngôi trường này đã đỗ đại học, cao đẳng hàng năm.
Trong cuốn sách ảnh “Họ đã sống như thế”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á đã từng viết về anh: “Gần 40 năm của cuộc đời, anh như cây xương rồng kiên cường vươn lên từ miền cát bỏng Bình Thuận quê anh”. (Trích "Họ đã sống như thế" - Nguyễn Á).

Chị Dương Phương Hạnh: Giữ vai trò là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và giáo dục người khiếm thính (CED), Dương Phương Hạnh có thể nói là một trong những người đầu tiên mang đến cho người khiếm thính một cuộc sống mới để hòa nhập cộng đồng. Hiểu rõ những giới hạn do khiếm khuyết, chị đã không ngừng nỗ lực, không chỉ để khẳng định mình mà còn nâng bước hàng ngàn người đồng cảnh cùng vươn lên. Hiện chị còn giữ vai trò Tổng thư ký Liên đoàn khiếm thính Quốc tế. Chị vinh dự nhận Giải thưởng Dải băng xanh 2009 và Giải thưởng doanh nhân xã hội 2010.


 “Là người khiếm thính, tôi hiểu sâu sắc những khó khăn mà người khiếm thính đã, đang và sẽ gặp phải và quyết định đồng hành cùng họ trong quá trình hòa nhập xã hội bởi vì tôi luôn tin rằng: “Không có người khuyết tật, chỉ có người có năng lực khác nhau”, chị Hạnh tâm sự.

Công Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét