Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Những giai nhân tuyệt sắc đi qua cuộc đời vị vua đa tình Bảo Đại

 (GDVN) -Được mệnh danh là vị vua đa tình và ăn chơi khét tiếng một thời, Bảo Đại có những bà vợ và nhân tình tuyệt sắc giai nhân.
Bảo Đại (1913 - 1997) có tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, là con của Vua Khải Định và Từ Cung Hoàng thái hậu, là vị Hoàng đế thứ 13 và cuối cùng của triều Nguyễn. Được mệnh danh là vị vua đa tình và ăn chơi khét tiếng một thời, Bảo Đại có những bà vợ và nhân tình tuyệt sắc giai nhân. Trong đó, Nam Phương Hoàng hậu, bà Phi Ánh, Monique Marie Eugene Baudo, Hoàng Tiểu Lan và Mộng Điệp là 5 phụ nữ được nhà vua hết mực sủng ái.
Hoàng đế Bảo Đại cưới bà Nam Phương năm 1934 khi ông 21 tuổi. Lúc đó, để cưới được giai nhân, ông đã phải chấp nhận 4 điều kiện gắt gao mà nhà gái đặt ra: phải tấn phong cho Nguyễn Hữu Thị Lan làm Hoàng hậu chính cung ngay trong ngày cưới (các bà vợ của 12 đời vua trước đó chỉ được phong tước Vương phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu); lễ cưới của hai người phải được tòa thánh La Mã cho phép một cách đặc biệt; sau khi cưới Nguyễn Hữu Thị Lan có quyền được giữ nguyên đạo công giáo và các con, khi sinh ra, phải được rửa tội theo luật công giáo và giữ đạo; còn Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo.
Sau lễ cưới, Bảo Đại cùng Hoàng hậu Nam Phương dọn về ở tại điện Kiến Trung thuộc khu vực cấm thành. Trong 12 năm “hương lửa mặn nồng”, hai người có với nhau 5 người con và tưởng rằng “tình đẹp bất tử”. Song,  nào ngờ thời điểm đánh dấu sự kiện vị vua thứ 13 của nhà Nguyễn kết thúc lời thề “chỉ một vợ một chồng” là lúc Mộng Điệp, người đẹp gốc Kinh Bắc sinh trưởng ở Hà Nội, xuất hiện năm 1946
Theo nhiều tài liệu, Thứ phi Mộng Điệp là người phụ nữ được gần gũi Bảo Đại nhiều nhất và thậm chí, là người được ông hoàng này yêu quý hết mực. Bà Mộng Điệp sinh năm 1924 tại Bắc Ninh, gặp cựu hoàng Bảo Đại tại Hà Nội năm 1945, khi ông đang làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc đó, bà Mộng Điệp là một vũ nữ nổi danh Hà thành, mới 21 tuổi; còn Bảo Đại vừa từ giã ngai vàng ở tuổi 32 và họ đã phải lòng nhau, dù người đẹp đã có một đời chồng (thầy thuốc-bác sĩ Phạm Văn Phán nổi tiếng ở Hà Nội lúc đương thời) và một đứa con riêng (hiện sinh sống và làm trong ngành ngân hàng ở Pháp).
Cựu hoàng và bà Mộng Điệp về chung sống tại căn hộ số 51 đường Trần Hưng Đạo. Tháng 3/1946, cựu hoàng được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang Trung Quốc và lưu lại nước ngoài trong một sứ mệnh ngoại giao. Sau năm 1949, khi Bảo Đại từ Hong Kong về nước, bà luôn được gần gũi cựu hoàng đế. Thậm chí, ở Đà Lạt, Bảo Đại còn dành tặng cho bà một toà nhà riêng, gần biệt điện hoàng đế để tiện sớm tối kề cận. Khi tháp tùng cựu hoàng sang Pháp về sống ở Cannes, bà cũng tậu một biệt thự riêng gần lâu đài Thorenc của hoàng gia.
Dù sinh cho vua Bảo Đại 3 người con: có một con gái là Phương Thảo (1946) và hai con trai Bảo Hoàng (1954-1955) và Bảo Sơn (1955-1987), nhưng thứ phi Mộng Điệp trong những năm tháng tuổi già, vẫn phải sống cô quạnh vì cựu hoàng Bảo Đại đi theo những tình nhân và những cuộc vui khác.
Một số sách cũng chép rằng, xuất hiện cùng thời với bà Mộng Điệp trong quan hệ tình cảm với ông hoàng Bảo Đại còn có bà Lý Lệ Hà, nổi tiếng nhan sắc và đa tình. Sách Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam ghi: Bảo Đại quan hệ công khai với Lệ Hà, đêm đêm đi dạo, ăn nhậu, lui tới các nơi ăn chơi, tiệm nhảy bất chấp dị nghị khi mọi người xung quanh đang sống khắc khổ đạm bạc.
Tuy nhiên, cuối cùng cuộc tình giữa Lý Lệ Hà và Bảo Đại cũng kết thúc vì Bảo Đại vốn là một người đàn ông đẹp trai, thông minh nhưng cũng vô cùng đa tình. Ông hoàng Bảo Đại đã tự động rời bỏ cô vũ nữ xinh đẹp để tiếp tục đeo đuổi những mối tình khác. Theo một số tài liệu, Lý Lệ Hà đã sang Pháp, kết hôn với một người bản địa và sống tại một làng ngoại thành Paris. Lý Lệ Hà cũng không gặp lại đức vua Bảo Đại lần nào nữa từ khi sống ở đất Pháp (ảnh minh họa: Ga Hà Nội xưa).
Không chỉ “cặp kè” với người đẹp ở quê hương, ông hoàng Bảo Đại còn có đàn bà Trung Hoa, Hong Kong, Pháp, Nhật Bản, Zaire…Trong một lần vua Bảo Đại lên Đà Lạt thăm cô tình nhân da trắng mắt xanh, nhà vua đã bị ông chồng Tây của cô này nổi cơn ghen, vác súng đuổi bắn gãy chân. Việc này đã khiến cho Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Jean Decoux vô cùng lo lắng. Ông này vội vàng điều máy bay chở vua về Sài Gòn chữa trị. Để tránh bị tai tiếng, vị toàn quyền đã tuyên bố rằng, Bảo Đại đi săn và không may bị “vấp ngã xuống hố bẫy cọp” (ảnh: Monique Baudot, người vợ mang quốc tịch Pháp của vua Bảo Đại).
Một chuyện khác lại kể rằng việc Bảo Đại thường xuyên có nhân tình bên ngoài khiến cho Nam Phương Hoàng Hậu rất buồn lòng và ghen tuông. Nam Phương đã có ý định cho lái xe bắn lén vào Bảo Đại và người tình đang tự tình ở Đà Lạt. Biết trước được việc này, vợ quan toàn quyền đã nhanh chóng đi ra chỗ hẹn hò của vua Bảo Đại và người tình để có thể ngăn chặn một vụ án mạng. Không may rằng, do quá vội vã để có thể can ngăn một chuyện động trời không xảy ra, vợ quan Toàn quyền đã đi xe quá nhanh và bị tai nạn thiệt mạng.
Đối với phụ nữ, lúc nào nhà vua cũng lịch sự, hào phóng và lãng mạn. Những khi kiếm được tiền ông có thể vung tay mua biệt thự đắt giá tặng cho người tình. Nhưng cũng có lần lâm vào cảnh túng quẫn, ông phải sống bằng số vốn liếng đã cóp nhặt cả đời của một cô gái nhảy. Vua Bảo Đại là vị hoàng đế đa tình. Khó tính hết được đã có biết bao người phụ nữ đủ các dân tộc, quốc tịch đi qua cuộc đời ông.
Theo sách Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam của tác giả người Pháp Daniel Grandclément, sở thích hàng đầu của Hoàng đế Bảo Đại là đuổi theo những người đàn bà đẹp. Ông từng thẳng thắn bộc lộ sự ham muốn sắc dục của mình: “Luôn có nhu cầu đối với đàn bà, một thứ nhu cầu thường xuyên không thể dập tắt được như đồ ăn thức uống. Từ khi đến tuổi lớn, đêm nào cũng phải có một người đàn bà nằm bên, mỗi đêm một người”.
“Con người Bảo Đại có một phần mười của Farouk, hai phần mười của Machiavel và bảy phần mười của Hamlet… Ông đã dan díu với đủ hạng người, từ cô hầu phòng bình thường, vợ của các gia nhân đày tớ, hoa hậu Đông Dương đến gái nhảy, thậm chí gái điếm…”, một người thân thiết của cựu hoàng đã bình phẩm.
 T.M (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét