Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Tham quan lâu đài Dracula

Bức tượng bán thân của Vlad tại Bảo tàng
Quân sự Quốc gia Romania. Ảnh: CNN


Lâu đài Poienari là nơi ở của bá tước Vlad Dracula vào thế kỷ 15
Tàn tích của tòa lâu đài Poienari nằm trên đỉnh núi với quang cảnh tưởng chừng như bất tận bên trên những hẻm núi sâu thẳm, những vách đá đen và những dòng suối.
 Du khách không đến lâu đài này để thưởng ngoạn cảnh đẹp. Họ đến đây vì nó có mối liên hệ với con ma cà rồng nổi tiếng nhất trong lịch sử - Dracula.
Chỉ còn tàn tích
 Từ khi nhà văn Bram Stoker công bố tiểu thuyết của ông vào năm 1897, thế giới đã nhìn Transylvania (ở miền Trung nước Romania hiện đại) như là quê nhà của bá tước Vlad Dracula.
 Theo CNN, nhà văn Stoker chưa bao giờ đến thăm Đông Âu nhưng nhân vật nổi tiếng của ông được xây dựng trên hình tượng một hoàng tử có thực ở thế kỷ 15.
 Lâu đài Poienari không nằm trong tuyến du lịch chính. Thực ra, đường đi đến đó khá cam go. Phương tiện vận chuyển công cộng không có thường xuyên và thành phố du lịch lớn trong khu vực là Brasov thì ở cách đó vài giờ chạy xe.
 Khi đến lâu đài trên, điều đầu tiên đập vào mắt khách tham quan là các bậc thang thẳng đứng. Không thể tưởng tượng nổi có một đội quân nào mong chiếm được lâu đài này. Phí vào cổng lâu đài là 5 leu (khoảng 31.000 đồng).
 Nhiều tấm bảng viết bằng tiếng Anh và Romania giải thích bá tước Vlad đã mở rộng lâu đài vào năm 1457. Người ta loan truyền rằng vị bá tước này đã bắt giữ cư dân của một thị trấn thù nghịch và buộc họ phải xây dựng tòa lâu đài này như một sự trừng phạt.
Lâu đài Poienari chỉ còn lại những bức tường. Đây chính là nơi Vlad Dracula cư ngụ vào thế kỷ 15. Ảnh: FLICKR
 Cấu trúc tòa nhà không lớn và tất cả những gì còn lại hiện nay là các bức tường của tòa lâu đài một tầng đã bị phá hủy. Khi đi qua thành lũy này, người ta có thể hình dung cảnh vị bá tước và binh lính đứng quan sát các thung lũng bên dưới để quan sát kẻ thù.
 Dù đã được công nhận có mối liên hệ với bá tước Dracula, lâu đài Poienari chỉ là một cái bẫy du khách. Khi đến đây, người ta không gặp cảnh đông đúc như các điểm du lịch khác, du khách không thể mua áo có chữ Dracula. Thực ra, món quà lưu niệm duy nhất ở nơi đây là vài tấm bưu thiếp mà người trông coi lâu đài đưa ra bán.
 Anh hùng hay quỷ dữ?
 Vlad III là hoàng thân xứ Wallachia (hay còn gọi là Vlad Dracula hoặc đơn giản nhất là Dracula, tức là Drăculea theo tiếng Romania). Drăculea (còn được phát âm là Drakulya) có nghĩa là “con trai của quỷ”.
 Cha ông là Vlad Dracul. Dracul, từ chữ Draco trong tiếng Latin, nghĩa là “rồng”. Mặt khác, trong tiếng Romania, Drac đơn giản nghĩa là quỷ.
 Vlad Dracula sống trong khoảng từ năm 1431 đến 1476 và cai quản vùng đất Wallachia, phía Nam Transylvania. Là nhà lãnh đạo về quân sự, ông ta đã được thần dân của mình tôn là anh hùng và tượng ông cũng được trưng bày trong Bảo tàng Quân sự Quốc gia Romania. Một số giấy tờ có chữ ký Vlad Dracula hiện vẫn còn.
 Hầu hết người Romania đều coi Vlad là anh hùng chứ không phải là con quỷ nổi tiếng. Ngoài ra, có người cho rằng Vlad là nhân vật Robin Hood, tàn nhẫn với kẻ giàu vi phạm luật pháp nhưng lại là người bạn đáng tin cậy của người nghèo. Đối với nông dân ở Wallachia, ông là vị anh hùng phân xử các vụ kiện tụng của họ.
 Lâu đài Bran
 Dù có rất ít mối liên hệ với nhân vật Dracula, lâu đài Bran - cách thành phố Brasov chưa đến một giờ chạy xe - lại là nơi được du khách kéo đến để tìm hiểu về ma ca rồng. Vẫn còn nguyên vẹn, nằm trên vách đá với những cái tháp và thang gỗ, lâu đài Bran trông như thể đang có ma cà rồng bên trong. Binh lính của Vlad đã đi qua đây khi chiến đấu trong khu vực nhưng có ít chứng cứ cho thấy ông ta đã lưu lại nơi này.
 Trên đường vào cổng, những người bán hàng chào mời loại áo thun có dòng chữ “Vampire Wine” (Rượu ma cà rồng) và ly uống cà phê hình Dracula. Trong một căn phòng, du khách được giới thiệu về câu chuyện huyền thoại Dracula.
NGÔ SINH
Báo Người Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét