Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Sắp có áo tàng hình?

Chiếc áo tàng hình của các nhà khoa học Nhật
giới thiệu năm 2006 - Ảnh: Reuters

TT - Các nhà khoa học đã tiến một bước gần hơn đến việc tạo ra những vật liệu có thể giúp con người trở nên vô hình. Các nhà nghiên cứu tại Đại học California đã phát triển một loại vật liệu có khả năng làm cong ánh sáng quanh các đồ vật ba chiều làm chúng "biến mất".
Các vật liệu này không hiện hữu tự nhiên nhưng được tạo ra ở cấp độ siêu nhỏ (nano), được đo ở kích thước phần tỉ mét. Nhóm nhà khoa học này nói trên nguyên tắc các vật liệu này một ngày kia có thể được tăng cường để chế tạo áo tàng hình đủ lớn để che giấu con người. Công trình nghiên cứu do nhà khoa học Xiang Zhang chủ trì đã được công bố trên các tạp chí Nature và Science.
Các nhà khoa học nói hệ thống mới này hoạt động như nước chảy quanh một tảng đá. Do ánh sáng không bị đồ vật hấp thụ hoặc phản chiếu, nên một người quan sát chỉ có thể thấy ánh sáng đến từ phía sau đồ vật mà thôi - làm nó trở thành vô hình. Loại chất liệu mới có các tính chất "khúc xạ âm". Nó có một cấu trúc mạng lưới nhiều lớp là thứ trong suốt đối với một loạt bước sóng của ánh sáng.
Nghiên cứu này trong tương lai có thể được dùng trong các cuộc hành quân "tàng hình", với xe tăng "vô hình" trước mắt đối phương.
Q.HƯƠNG (Theo BBC)
Báo Tuổi Trẻ (ngày 14/8/2008)


TT - Các nhà vật lý Scotland mới đây công bố trên tạp chí New Journal of Physics của Anh rằng đã phát triển thành công một loại vật liệu mềm dẻo có thể làm đổi hướng ánh sáng, giúp tiến gần hơn đến khả năng chế tạo áo tàng hình.
Nó được phát triển từ một loại siêu vật liệu có cấu trúc nhỏ ở cấp độ nano và có khả năng tương tác với ánh sáng. Theo đó, vật liệu này cho phép ánh sáng “chảy” xuyên qua thay vì hấp thụ nó.
Siêu vật liệu mới có thể uốn cong
dễ dàng - Ảnh: iopscience.iop.org
Andrea di Falco, thuộc Đại học St. Andrews, cho biết phát minh mới có tên gọi Metaflex có thể tương tác với ánh sáng có bước sóng khoảng 620 nanomet. Các bước sóng ánh sáng mà con người có thể thấy nằm trong khoảng 400-700 nanomet, tương ứng với các dải màu sắc khác nhau. Dù chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm song nó có tiềm năng được ứng dụng rộng rãi từ sản xuất siêu ống kính đến chất liệu vải thông minh...
“Đây chưa hẳn là một chiếc áo tàng hình nhưng là một bước tiến lớn” - nhà vật lý Anh Ortwin Hess nhận xét. Đến nay các siêu vật liệu có cấu trúc phân tử nhỏ tương tự chỉ được phát triển ở dạng cứng, phẳng với khả năng áp dụng rất hạn chế. Còn các loại siêu vật liệu dẻo khác lại chỉ tương tác với những bước sóng ánh sáng nằm ngoài khả năng nhận biết của mắt người.
TRẦN PHƯƠNG (Theo AFP)
Báo Tuổi Trẻ (ngày 5/11/2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét