Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Mật chó

TT - Người đàn bà chỉ vào cái bị màu xanh cột kín đang bùng nhùng, nhung nhúc sát lề đường: “Chú ngó coi, nó có thể cắn thủng để chạy không?”. Cậu thanh niên phà hơi thuốc lên khoảng trời mù xám trước mặt, không trả lời mà hỏi lại: “Nó mấy tuổi?”. “Mới ba tháng”. “Vậy chắc không đủ sức cắn thủng cái bao này được đâu. Nhưng cái bao cột chặt thế kia có thể làm cho nó ngộp thở chết”.
Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN
Xe vẫn chưa đến. Con đường mù sương sớm mùa thu.
Họ bàn bạc một lúc rồi một người đè giữ phần cổ nó, một người tháo dây ở miệng bao. “Nó ngoan thật, không kêu tiếng nào. Ngoan nhé, ngoan nhé...”. Loay hoay một lúc, cậu thanh niên đã tráo con chó từ cái bị xanh sang giỏ nhựa đỏ.
 “Chưa bao giờ tôi thấy một con chó đen tuyền thế này. Hà hà hà, đến cái lưỡi của nó cũng có bớt đen. Kỳ lạ thật!”. Bà già nói: “Tôi phải lân la tìm khắp vùng mới được nó”. “Bà mua nó về nuôi?” - cậu thanh niên vừa nói vừa siết những cọng dây chằng kín miệng giỏ.
Con chó đã nằm lọt thỏm, khùm người, rồi xếp hai chân lại, hơi rướn lưng thẳng lên, ở thế ổn định trong giỏ, như một thiền sư đang ngồi kiết già. Nó sẽ ngồi ở tư thế đó cho đến khi tới thành phố. Điều gì phía trước cuộc sống của nó? Linh cảm không phải là khả năng mà giống loài chó được sở hữu, nó thè lưỡi thở và vẫn không buồn kêu cứu hay rên la.
“Ừ. Nuôi cho đến ba tuổi. Chẳng biết có còn kịp hay không” - bà già chùng giọng. “Kịp gì? Kịp ăn thịt nó trước khi chết à? - cậu thanh niên nói rồi xổ toẹt một bãi nước bọt ra vỉa hè, bồi thêm - Mẹ kiếp, nó đái! Nhưng mà ý bà già vừa nói kịp là kịp cái gì?”. “Kịp cho đứa con gái tui nuốt sống túi mật của nó” - bà già nói chậm rãi.
Cậu trai thấy gây lạnh trong người. Cậu siết chặt miệng giỏ, mắt vẫn nhìn cái miệng nhai trầu của bà già. Con chó vẫn nằm ở tư thế khòng khoèo không được thoải mái. Mắt nó nhìn qua những khe hở và thi thoảng khậc khậc mũi. Nó là con chó dễ chấp nhận hoàn cảnh. Có lẽ nó nghĩ rằng nằm ở tư thế khoành khoèo này thì cũng đỡ hơn nhiều so với nằm trong cái bao phân bón tù mù, bịt kín không có lỗ thở.
Chàng trai ràng rịt mớ dây còn lại lên hai bờ miệng giỏ rồi phủi tay: “Xong! Nhưng con bé làm sao mà phải nuốt mật chó?”. “Kinh phong. Giật rất dữ. Nó mới mười sáu tuổi. Trăng lên là lên cơn giật méo xệch miệng mồm, quýu tay quýu chân! - bà già nói, giọng vẫn chậm rãi - Tôi đã chạy chữa hết nơi rồi. Chỉ còn hi vọng vào nó. Nhưng không biết con bé có đủ sức đợi được ba năm nữa cho đến khi có thể lấy được mật con chó hay không. Người ta nói mật chó mực ba năm tuổi thì mới già để lành bệnh. Mà thôi, cứ nuôi rồi tính”.
Cậu thanh niên ném tàn thuốc xuống đường mương cống, tư lự một lúc rồi ngồi xuống cạnh cái giỏ chó: “Nhưng nếu trong ba năm đó nó bị trộm bắt thì sao?”. “Thì tôi lại đi tìm con khác. Tôi không để hết hi vọng đâu” - bà già quả quyết. “Vậy sao bà già không gửi nó lại ở đây thuê người ta nuôi rồi ba năm sau chỉ về lấy mật nó mang đi?” - cậu thanh niên lại hỏi. “Tôi không an tâm. Tôi muốn tự tay nuôi nấng nó lớn lên, ba năm sau nếu còn đủ sức thì tôi mang về đây nhờ người ta giết thịt để lấy mật! Vả lại, nếu gửi lại đây thì biết bao giờ tôi quay lại được. Tôi tuổi già, sống chết đếm từng ngày. Rủi...”.
Cậu thanh niên lại đốt thuốc. Hai bờ vai vạm vỡ bỗng chùng xuống. Cậu thò ngón tay vào trong khe giỏ. Con chó thè lưỡi có bớt đen liếm liếm lên tay cậu, tỏ vẻ thân thiện. Nó không biết nó đang tham gia vào một kế hoạch khá chặt chẽ của bà già. Nó khịt khịt mũi. Ngón trỏ của cậu thanh niên ẩm ướt nước miếng chó.
“Bà có chắc là nuốt mật nó thì khỏi kinh phong không?”.
“Chắc. Nhiều người trị khỏi. Nên nó rất quý. Tôi mất cả vài tháng lặn lội mới kiếm được nó, một con mực thứ thiệt. Cũng may nhà người ta đông chó quá nên biếu không, chẳng tính đồng nào. Mình chỉ mất là mất cái công kiếm tìm và nuôi nó lớn lên đủ ba tuổi!”.
Trời vẫn mù xám.
Từ trong vùng mây đục trước mặt có tiếng rền rền động cơ. Chiếc xe khách lù lù trờ tới như một con quái vật thép. Cánh cửa thùng xe mở ra. “Bà già có gì để dưới thùng không?” - cậu lơ xe hỏi giật. “Có. Một con chó!”. “Trời ơi, đường sá xa xôi đem theo chó mèo chi?” - cậu lơ xe giằng co.
“Đây, gửi chú ít tiền uống cà phê rồi giúp tôi tìm cái chỗ tử tế cho con chó nằm, đừng để nó ngộp thở chết trên đường về thành phố...” - bà già đút vào túi áo bẩn của cậu lơ xe một tờ tiền màu xanh. Cậu lơ xe giả lả: “Cám ơn má. Con chưa thấy ai thương chó hơn má. Đây” - cậu vừa nói vừa xách bổng chiếc giỏ và đẩy qua mớ ngổn ngang vali, giỏ xách, kiện hàng... cho vào một khoang sâu, tối.
Đôi mắt con chó kịp chớp sáng qua khoảng hở giữa mấy cọng dây ràng chặt miệng giỏ. Cái nhìn của nó mạnh mẽ ném ra bên ngoài như một viên đá xuyên không gian, bay thấu vào bên trong con người cậu thanh niên.
Bất giác cậu giật thót, cảm thấy đau quặn thốn như triệu chứng tắc mật. Cậu ngồi bệt xuống, mặt mũi tái xanh. Mồ hôi lạnh toát, rợn rợn hai thái dương. Bà già quay lại: “Chú bị làm sao vậy? Trúng gió phải không?”. Cậu lắc đầu ra hiệu không có gì nhưng cổ cậu cứng nghẹn không nói đáp ngay được.
Cậu lơ xe kéo nắp thùng hàng. Khoảng tối sầm kia khép lại. Ánh mắt con chó cũng tắt. “Chú không sao chứ?”. “Dạ, không sao. Bà già đi mạnh giỏi” - cậu chùng giọng, mắt không nhìn bà già mà dán chặt nơi nắp khoang hành lý đã đóng kín. Bà già nhả miếng bã trầu nát đỏ như tiết xuống dòng nước đen ngòm chảy trễ nải dưới miệng cống rồi vội vàng bước lên xe.
Hôm nay ngày rằm.
NGUYỄN VĨNH NGHUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét